Ngày 17-09, Hội nghị “Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020” do UBND chủ trì đã thu hút sự tham gia của gần 74 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cao Phát Đạt đã có dịp tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp để trao đổi và mở rộng thị trường.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020
(nguồn ảnh: baomoi.com)
Chuẩn bị nội lực cho bước tiến xa
Tại hội nghị, 14 doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối đã đưa ra hàng loạt sản phẩm cần được cung ứng thuộc lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo và ngành y tế kỹ thuật cao. Trong đó, Cao Phát Đạt vinh dự được các doanh nghiệp như TTI, Yuki Việt Nam, Sankitech Viêt Nam và Nipro Việt Nam lựa chọn để kết nối B2B trực tiếp tại hội nghị lần này.Mỗi DN FDI sẽ có những quy trình làm việc khác nhau, tuy nhiên về tính nhất quán trong kiểm tra chất lượng và thị trường cạnh tranh là công bằng. Theo ông Tống Viết Cường, Giám đốc Cty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành cho biết để có thể nhận được những đơn đặt hàng của các tập đoàn FDI, ngoài việc phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí về chất lượng, giá cả thì doanh nghiệp còn phải đáp ứng tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, giao hàng “on time” (đúng giờ) … Trong đó, phải kể đến tiêu chí rất khó là giao hàng quay đầu xe trong vòng 2 giờ và có giá cả phải mang tính chất cạnh tranh toàn cầu.
Trên thực tế, những tiêu chuẩn trên của các doanh nghiệp FDI rất minh bạch. Doanh nghiệp trong nước đã có thời gian đủ dài để tiếp cận và điều chỉnh nội lực sản xuất cho phù hợp với yêu cầu. Quy trình này tuy mất rất nhiều thời gian và chi phí để thực thi. Nhưng bù lại, khi đã được hợp tác, DN sẽ ổn định được sản xuất và cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bay sản phẩm CNHT của các
DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. (nguồn ảnh: baomoi.com)
Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất linh phụ kiện trong nước để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.
Theo bà Lê Bích Loan, Phó Ban Quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), đây là cơ hội lớn chưa từng có của các nhà cung cấp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều DN FDI của Mỹ và châu Âu bị gián đoạn nguồn cung ứng từ các nước khác nên đã tìm kiếm các DN cung cấp trong nước – chuyên sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ để thay thế.
Riêng tại Khu công nghệ cao TP.HCM, nhiều DN cũng nhận được đề nghị của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng trở thành nhà cung ứng.
Bà Loan cũng cho biết thêm, trong những năm gần đây, tỷ lệ nội địa hóa của DN FDI (phục vụ cho xuất khẩu) tại Khu công nghệ cao TP.HCM ngày càng tăng. Nếu như năm 2016 chỉ chiếm khoảng 16% thì tới cuối năm 2019, tỷ lệ này đã được nâng lên khoảng 22% và trong 6 tháng năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các DN FDI tăng cường tìm kiếm các nguồn cung nội địa theo tỷ lệ này tại Khu công nghệ cao đã tăng lên 33% và dự báo tỷ lệ nội địa hóa sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác các DN trong nước, trong bối cảnh dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, hiện nay, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn các DN FDI.